Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) thông qua cổng thông tin ĐKDN quốc gia, nhằm cung cấp cho cộng đồng các tính năng về ĐKDN trực tuyến, kiểm tra tên doanh nghiệp, rà soát, hiệu đính thông tin đăng ký kinh doanh và các dịch vụ cung cấp thông tin doanh nghiệp, đăng bố cáo doanh nghiệp. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước sẽ được tiếp cận với khối thông tin chính thống và cập nhật về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường và phục vụ công tác hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô.
(eFinance số 120 Ngày 15/06/2013) - Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) thông qua cổng thông tin ĐKDN quốc gia, nhằm cung cấp cho cộng đồng các tính năng về ĐKDN trực tuyến, kiểm tra tên doanh nghiệp, rà soát, hiệu đính thông tin đăng ký kinh doanh và các dịch vụ cung cấp thông tin doanh nghiệp, đăng bố cáo doanh nghiệp. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước sẽ được tiếp cận với khối thông tin chính thống và cập nhật về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường và phục vụ công tác hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô.
Đáng chú ý, khung pháp lý về ĐKDN ngày càng được hoàn thiện theo hướng minh bạch và hiệu quả. Cụ thể, ngày 21/01/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT-BKH hướng dẫn về ĐKDN thay thế Thông tư số 14/2010/TT-BKH hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục ĐKDN quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về DKDN. Theo đó, Thông tư số 01 ra đời đã hình thành khung pháp lý cho việc thực hiện ĐKDN qua mạng điện tử, áp dụng chữ ký điện tử trong ĐKDN; xây dựng cơ chế khai thác và sử dụng CNTT trên cổng thông tin ĐKDN quốc gia; quy chế vận hành hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia; Quy chế vận hành hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia. Đồng thời, các quy định về việc công khai hóa thông tin về địa vị pháp lý của doanh nghiệp tại thông tư cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc minh bạch hóa môi trường kinh doanh.
Tự động hóa quy trình quản lý
Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Thời gian qua, chương trình cải cách ĐKKD đã thu được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trên thực tế, việc quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập luôn là thách thức đối với cơ quan quản lý các cấp. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do Nhà nước thiếu thông tin chính xác và cập nhật về thị trường, về tình hình đăng ký, hoạt động, giải thể của doanh nghiệp. Cũng vì lý do này, các cơ quan quản lý nhà nước khá bị động trong việc hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế quản lý sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Sự không nhất quán về chất lượng thông tin cũng khiến cho công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương chưa thực sự hiệu quả, không đem lại những kết quả mang tính hệ thống, có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài.
Xuất phát từ lý do đó, công tác cải cách đăng ký kinh doanh trong thời gian qua đã tập trung xây dựng hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia, nhằm thực hiện các mục tiêu như chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ ĐKDN trên phạm vi toàn quốc. Tự động hóa một số quy trình, nhằm giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh vào các quy trình nghiệp vụ. Đồng thời, thiết lập cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương. Cũng thông qua hệ thống này, một cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN với thông tin được tích hợp đầy đủ và thống nhất từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố sẽ được hình thành. Từ đó, dữ liệu về ĐKDN tại hệ thống là thông tin gốc có giá trị pháp lý cao nhất và chỉ có cán bộ đăng ký kinh doanh được truy cập. Sự ra đời của cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN góp phần tăng cường tính minh bạch của thông tin doanh nghiệp, hướng tới cung cấp cho cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước những thông tin chính xác, cập nhật và kịp thời về các doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế, hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia được chính thức đưa vào vận hành trên phạm vi toàn quốc từ 01/01/2011, cho phép hơn 600 cán bộ đăng ký kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố tác nghiệp cùng lúc để thực hiện nghiệp vụ ĐKDN. Thời gian qua, xác định nhiệm vụ phát triển hạ tầng hệ thống là yêu cầu thiết yếu, nhằm đảm bảo sự vận hành ổn định, liên tục của hệ thống, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã triển khai việc xây dựng hệ thống dự phòng và chuyển một phần cơ sở dữ liệu của hệ thống sang Trung tâm dữ liệu số 02. Cơ sở dữ liệu được chuyển bao gồm: cơ sở dữ liệu dự phòng của hệ thống ĐKDN cơ bản do các Phòng Đăng ký kinh doanh sử dụng; cơ sở dữ liệu của các hệ thống đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, chữ ký điện tử, thanh toán điện tử, báo cáo tài chính, cung cấp thông tin doanh nghiệp; chuyển hệ thống đường truyền dự phòng của Trung tâm dữ liệu số 01 tại Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh sang Trung tâm dữ liệu số 02 tại Trung tâm dữ liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thực hiện mục tiêu phát triển các ứng dụng trên hệ thống, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh đã triển khai xây dựng, sửa đổi, nâng cấp, phát triển các ứng dụng phần mềm để tiến tới hoàn thiện các chức năng của hệ thống, đặc biệt là chức năng ĐKDN qua mạng.
Theo đó, xây dựng ứng dụng ĐKDN qua mạng điện tử với các hợp phần: Chữ ký điện tử, thanh toán điện tử, chữ ký chuyên dụng của cơ quan đăng ký kinh doanh; Xây dựng ứng dụng cảnh báo/vi phạm/thu hồi và ĐKDN; Xây dựng ứng dụng đăng bố cáo doanh nghiệp điện tử và triển khai thí điểm tại 5 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh; Nâng cấp ứng dụng hiệu đính dữ liệu hiện tại và xây dựng phần mềm tải tài liệu đính kèm lên hệ thống phục vụ cho chương trình số hóa thông tin và chuẩn hóa dữ liệu về ĐKDN; Cập nhật thông tin tự động và thường xuyên về các trạng thái hoạt động của doanh nghiệp từ cơ sở dữ liệu ngành Thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan đăng ký kinh doanh cũng tiến hành xây dựng cổng thông tin ĐKDN quốc gia nhằm cung cấp cho cộng đồng các tính năng về ĐKDN trực tuyến, kiểm tra tên doanh nghiệp, rà soát, hiệu đính thông tin đăng ký kinh doanh và các dịch vụ cung cấp thông tin doanh nghiệp và đăng bố cáo doanh nghiệp. Dự kiến, cổng thông tin ĐKDN quốc gia sẽ được hoàn thiện và giới thiệu đến cộng đồng trong quý III/2013.
Sau quá trình xây dựng các ứng dụng phần mềm mới, hệ thống đã được tiến hành kiểm thử các phiên bản ứng dụng, đồng thời tiến hành triển khai một số nhiệm vụ nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về ĐKDN. Cụ thể, công tác kiểm tra, đối chiếu và hiệu đính nhằm chuẩn hóa dữ liệu doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện tại 17/63 địa phương.
Trong đợt đầu triển khai thí điểm tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã có 91,5% các doanh nghiệp tiến hành thực hiện hiệu đính thông tin. Bên cạnh đó, việc số hóa tài liệu hồ sơ bằng cách chuyển đổi toàn bộ tài liệu, hồ sơ ĐKDN bản giấy sang bản điện tử để đưa vào hệ thống ĐKDN được tiến hành triển khai thí điểm tại 3 địa phương là: Thành phố Đà Nẵng, Phú Thọ và Thái Nguyên.
Đến nay, về cơ bản toàn bộ dữ liệu doanh nghiệp trong năm 2011 của thành phố Đà Nẵng đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN. Đáng chú ý, việc tiếp nhận, cập nhật và bổ sung dữ liệu doanh nghiệp từ cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế sang cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh đã phối hợp hiệu quả với Tổng cục Thuế trong việc xây dựng quy chế phối hợp xử lý các lỗi giao dịch giữa hai cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Cụ thể, quy định về quy trình trao đổi, tiếp nhận và cập nhật, bổ sung một số thông tin quan trọng về ĐKDN, cập nhật tự động và thường xuyên về tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp từ cơ sở dữ liệu thuế sang cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh. Hiện nay, việc xử lý, đính chính, cập nhật thông tin sai lệch của doanh nghiệp giữa hai hệ thống đã được thực hiện thường xuyên với sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp.
Thêm vào đó, công tác báo cáo tình hình ĐKDN theo tháng, quý, năm, đã được hệ thống hóa để đáp ứng các yêu cầu thường xuyên và đột xuất trong việc cung cấp dữ liệu và phân tích về tình trạng tồn tại, cơ cấu ngành nghề, loại hình thành lập của các doanh nghiệp trong nền kinh tế tại từng thời điểm. Hệ thống báo cáo về tình hình doanh nghiệp do cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp đã trở thành nguồn thông tin chính thức, kịp thời phục vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.
Với số liệu tổng hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN, cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đã có thông tin chính xác và cập nhật về tình hình ĐKDN trên phạm vi toàn quốc như: số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp giải thế, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động.
Đặc biệt, với khối dữ liệu đầy đủ và cập nhật về tình hình ĐKDN, lần đầu tiên cơ quan nhà nước đã thống kê kịp thời số lượng doanh nghiệp đăng ký trở lại hoạt động và trong quý I/2013, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng và đã quay trở lại hoạt động là 7.645 doanh nghiệp.
Như vậy, sự ra đời của hệ thống đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, làm căn cứ thực tiễn cho công tác hoạch định chính sách vĩ mô, triển khai phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý doanh nghiệp, từ khi thành lập cho đến khi giải thể. Có thể nói, việc xây dựng thành công hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia góp phần nâng cao khả năng giám sát của cơ quan nhà nước và cộng đồng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động để nâng cao vai trò quản lý doanh nghiệp theo nhiệm vụ được giao tại Đề án đổi mới quản lý nhà nước sau đăng ký thành lập do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu
Sau gần 5 năm triển khai nhiệm vụ cải cách đăng ký kinh doanh với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia thống nhất trên phạm vi toàn quốc và tích hợp với cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế các cấp, có thể thấy công tác phối hợp giữa hai cơ quan là yếu tố quan trọng góp phần vào những kết quả có được của ngày hôm nay. Từ những công việc nhỏ nhất và hàng ngày như đối chiếu dữ liệu của từng doanh nghiệp đăng ký qua hệ thống, cho đến việc thống nhất về chủ trương, chính sách để tiếp tục hoàn thiện các bước cải cách; tất cả đều là kết quả của công tác phối hợp chặt chẽ, liên tục và hiệu quả của cán bộ thuế và đăng ký kinh doanh các cấp.
Có thể nói, việc hợp nhất được thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thành ĐKDN được nhiều người coi là hình mẫu thành công của sự đồng thuận và phối hợp trong hai lĩnh vực đăng ký kinh doanh và thuế. Thông qua quá trình phối hợp, có thể thấy một nhiệm vụ dù khó khăn, thách thức đến mấy, nhưng khi có sự nhất trí, đồng lòng và quyết tâm cao của các cơ quan quản lý nhà nước, tất sẽ tìm được hướng đi và sẽ có được những thành quả nhất định. Trong thời gian qua, các kết quả của công tác cải cách đăng ký kinh doanh đã được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế như: Hệ thống thông tin ĐKKD quốc gia chưa tích hợp đầy đủ các loại hình doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp thành lập tại khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức tín dụng và các loại hình kinh doanh khác… Cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp chưa đầy đủ; quy trình thống nhất trong lưu trữ giữa cơ quan ĐKKD và ngành Thuế trong cấp chung mã số doanh nghiệp cũng chưa thống nhất.
Bên cạnh đó,cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN cũng chưa được hoàn thiện. Do trước đây các địa phương lưu trữ, quản lý dữ liệu một cách độc lập và theo các tiêu chí khác nhau; dữ liệu doanh nghiệp chưa được công khai và không có sự giám sát của các bên liên quan. Dẫn tới thông tin đôi khi không được cập nhật, dữ liệu của một số doanh nghiệp chưa được đồng bộ giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, nên khi chuyển đổi sang cơ sở dữ liệu quốc gia bị trùng, bị lệch thông tin. Do đó, tỷ lệ thông tin doanh nghiệp cần rà soát và hiệu đính còn lớn so với tổng số dữ liệu về doanh nghiệp có được.
Hơn nữa,trước đây chưa có quy trình thống nhất giữa hai lĩnh vực đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế về cấp chung mã doanh nghiệp, nên việc lưu trữ và bảo quản, tra cứu hồ sơ chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có hệ thống hạ tầng trang thiết bị để có thể thực hiện việc số hóa tài liệu và lưu trữ dữ liệu.
Chính vì thế, Cơ quan Đăng ký kinh doanh xác định nhiệm vụ trong năm 2013 phảitiếp tục triển khai các hoạt động hướng tới mục tiêu trọng tâm là đưa toàn bộ các pháp nhân hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế tập trung vào một hệ thống thông tin duy nhất là hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia. Cụ thể là đưa các loại hình như: ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp khoa học công nghệ, hợp tác xã, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... thực hiện quy trình đăng ký kinh doanh như các doanh nghiệp thông thường khác.
Đồng thời, tăng cường chuẩn hóa dữ liệu về ĐKDN nhằm sớm cung cấp cho cộng đồng những thông tin chính xác, cập nhật, có giá trị pháp lý về doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa thị trường và tăng tỷ lệ số hóa hồ sơ ĐKDN để từng bước kiện toàn việc tin học hóa nghiệp vụ trên phạm vi cả nước.
Một điều quan trọng nữa là cầnnâng cao chất lượng công tác đăng ký kinh doanh tại địa phương để đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được các dịch vụ công một cách thuận lợi theo hướng triệt để thực hiện nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm” trong quản lý doanh nghiệp, tách bạch đăng ký kinh doanh với các quy trình cấp phép kinh doanh sau thành lập doanh nghiệp.
(Hương Thảo)
© 2020, All Rights Reserved. Developed By: DOS.VN